Đại Thanh Thần phi Mẫn Huệ Cung Hoà nguyên phi

Kết hôn với Hoàng Thái Cực

Năm Vạn Lịch thứ 42 (1614), Triết Triết được gả cho người kế thừa Hậu KimHoàng Thái Cực làm Đích Phúc tấn. Dưới thời Hậu Kim, các Đại Hãn họ Ái Tân Giác La rất xem trọng liên hôn với Mông Cổ, do đó hoàng tử sinh bởi Phúc tấn người Mông Cổ sẽ được ưu ái. Tuy nhiên 11 năm đầu, Triết Triết chưa sinh dục người con nào. Năm Thiên Mệnh thứ 10 (1625), Trại Tang tiến cử con gái là Bố Mộc Bố Thái làm Trắc Phúc tấn cho Hoàng Thái Cực. 9 năm sau, Triết Triết sinh hạ 3 hoàng nữ, Bố Mộc Bố Thái cũng sinh 3 hoàng nữ mà chưa sinh được con trai.

Năm Thiên Thông thứ 8 (1634), Thân vương Ngô Khắc Thiện, lúc đó là Đài cát của Khoa Nhĩ Thấm, mang em gái Hải Lan Châu vào cung. Đại Hãn Hoàng Thái Cực cùng các Phúc tấn bày yến nghênh tiếp, phong bà làm Trắc Phúc tấn[1]. Năm đó Hải Lan Châu 26 tuổi, trễ hơn nhiều so với lứa tuổi xuất giá thời bấy giờ (khoảng từ 13 tuổi đến 18 tuổi), vì vậy rất có khả năng bà đã kết hôn từ trước, sau trở thành góa phụ và được đưa vào hậu cung Hoàng Thái Cực.

Nhiều thuyết khác nhau lý giải việc này, nổi tiếng nhất là thuyết tương truyền Hải Lan Châu và Bố Mộc Bố Thái là chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ Ngô Khắc Thiện và Bố Mộc Bố Thái là chính thê của Trại Tang, Đại phi của Khoa Nhĩ Thấm tộc; còn mẹ Mãn Châu Tập Lễ và Hải Lan Châu là tì thiếp. Khác với Bố Mộc Bố Thái, bà không được xem là Cách cách và bị Đại phi ngược đãi, phải làm việc như nô tì, không cho xuất giá. Về sau, trong cung có lời đồn nữ nhi thuộc Khoa Nhĩ Thấm không có phúc sinh con trai kế thừa Hậu Kim. Tình thế bất lợi, Trại Tang đành tiến cử con gái thứ xuất cho Đại Hãn. Tuy nhiên sử sách không ghi lại sự việc trên nên không thể khắng định thuyết này là thật.

Hải Lan Châu trở thành Phúc tấn được sủng ái nhất. Ân sủng của bà vượt xa cô và em gái. Với bà, Hoàng Thái Cực có thể nói là rêu rao chỉ sợ thiên hạ không biết tình yêu của mình nhiều thế nào.

Quan Thư cung Thần phi

Năm Sùng Đức nguyên niên (1636), Đại Hãn Hoàng Thái Cực xưng Hoàng đế, thành lập nhà Thanh. Ông phong Đại phúc tấn Triết Triết làm Hoàng hậu, ngự ở Thanh Ninh cung và lập ra Tứ phi (四妃) gồm có: Thần phi (宸妃), Quý phi (貴妃), Thục phi (淑妃) và Trang phi (莊妃). Bố Mộc Bố Thái được nạp trước Hải Lan Châu 9 năm nhưng chỉ được phong [Trang phi], ban Vĩnh Phúc cung, địa vị thấp nhất trong Tứ phi. Hải Lan Châu được phong địa vị cao nhất chúng phi là [Thần phi], chỉ dưới Chính cung Hoàng hậu. Bà được ban Quan Thư cung nên gọi là [Đông cung Quan Thư cung Đại phúc tấn Thần phi; 東宮關睢宮大福晉宸妃][2]. Hoàng Thái Cực đặt tên cho cung điện này dựa theo bài Quan Thư trong Kinh Thi: "Quan quan thư cưu, tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu."[3]. Câu thơ từ xưa thể hiện tình thâm ý trọng của nam nhân đối với vợ mình, cho thấy vinh sủng cao ngất trời của Hoàng Thái Cực dành cho Thần phi.

Sách văn viết:

奉天承运,宽温仁圣汗制曰,天地授命而来,既有汗主一代之治,则必有天赐福晋赞襄于侧。汗御极后,定诸福晋之名号,乃古圣汗所定之大典。今我正大位,当做古圣汗所定大典。我所遇福晋,蒙古科尔沁部博尔济吉特氏,特赐尔册文,命为东宫关雎宫大福晋宸妃。尔务以清廉端庄仁孝谦恭之义,谨遵国君福晋训诲,勿违我之至意。

.

Phụng thiên thừa vận, Khoan Ôn Nhân Thánh Hãn chế viết: được trời đất giao phó mà đến, đã có hãn chủ một đời cai trị, thì tất có trời ban phúc tấn ở bên tương trợ. Sau khi hãn chủ ngự trị tối cao, đặt danh hào cho chúng phúc tấn, đó chính là nghi lễ lớn mà Thánh Hãn quy định từ xa xưa. Nay ta chính đại vị, làm đại lễ mà Thánh Hãn quy định từ xa xưa.

Ta gặp được Phúc tấn, bộ tộc Mông Cổ Khoa Nhĩ Thẩm Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị, đặc biệt ban cho nàng sách văn, đặt là Đông cung Quan Thư cung Đại Phúc tấn Thần phi. Nàng hãy lấy thanh liêm, đoan trang, nhân hiếu, khiêm tốn làm nghĩa, cẩn trọng tuân theo quốc quân phúc tấn dạy bảo, chớ làm trái ý nguyện của ta.

— Sách văn Quan Thư cung Thần phi

Năm Sùng Đức thứ 2 (1637), ngày 8 tháng 7 (tức ngày 27 tháng 8 dương lịch), Thần phi Hải Lan Châu sinh hạ Hoàng bát tử. Hoàng Thái Cực hết mực yêu thương vị Hoàng tử này, nhân ngày sinh ban chiếu cáo đại xá thiên hạ, cũng là chiếu cáo đại xá đầu tiên trong lịch sử nhà Thanh[4][5]. Việc ban chiếu đại xá mừng sinh thần của Hoàng tử chỉ có lệ dành cho Trữ quân, việc này tỏ rõ sự sủng ái của Hoàng Thái Cực đối với mẫu tử Thần phi, cũng như việc ông đã sớm có ý phong người con này làm Thái tử. Không chỉ Hoàng Thái Cực ban chiếu đại xá, các Ngoại phiên vương công Mông Cổ cũng lấy việc Hoàng bát tử chào đời để dâng biểu thượng chúc mừng[6][7][8][9].

Thế nhưng năm sau (1638), ngày 28 tháng 1 (âm lịch), Hoàng tử bất hạnh qua đời, chưa kịp đặt tên. Thần Phi vô cùng đau xót, đả kích đến nỗi lâm bệnh. Hoàng Thái Cực an ủi bà, lệnh trong cung không bày yến tiệc nhiều năm. Để làm Thần phi vui lòng, Hoàng Thái Cực phong mẹ của Thần phi là làm Hòa Thạc Hiền phi (和硕贤妃)[10].